CHỘT NƯA KHO TÔM – MÓN ĂN QUÊ NGOẠI QUẢNG ĐIỀN

“Ai về Phú Lễ thì về, Nưa khoai bộn bề, gạo vãi ngon cơm. Gạo ngon cơm vừa đơm vừa dẻo, Nưa ruột vàng vừa đẽo vừa ăn”

Từ trước đến nay ẩm thực Huế trong mắt của những người con cố đô là sự hòa quyện, kết tinh, sáng tạo bởi nhiều thế hệ, nhiều địa phương khác nhau. Ẩm thực Huế giờ đây không đơn thuần chỉ là những món ăn để thưởng thức nữa mà nó còn là một nét nghệ thuật trong cách chế biến và người tạo ra món ăn chính là một nghệ nhân. Xưa, phải kể đến người phụ nữ dẫu sống trong hoàn cảnh nào thì họ vẫn thể hiện được bản chất con người chịu thương, chịu khó ở xứ sở hai mùa mưa nắng bằng những món ăn hấp dẫn, dung dị, khó quên. Chột nưa kho tôm – món ăn đậm chất dân dã làm cho người con xứ Huế phải lưu luyến mãi cái hương vị khó quên.

Ảnh: Sưu tầm

Chột nưa là loại cây được trồng nhiều ở vùng đất Quảng Điền – Thừa Thiên Huế được trồng từ mùa xuân nhưng đến mùa thu đông mới thu hoạch. Cây chột nưa không chỉ là loại cây được chế biến trong món ăn xứ Huế mà trong thơ ca nó vẫn được nhắc đến như một loại cây quen thuộc, gần gũi:

“Ai về Phú Lễ thì về,

Nưa khoai bộn bề, gạo vãi ngon cơm.

Gạo ngon cơm vừa đơm vừa dẻo,

Nưa ruột vàng vừa đẽo vừa ăn”

Ảnh: Sưu tầm

Mỗi lần trên đường về quê ngoại, ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi, dọc hai bên đường là hình ảnh của những luống nưa hay những bữa cơm cùng ngoại với tô nưa kho thơm lừng. Để nấu được tô nưa kho, trước tiên chúng ta sẽ lột nưa từ dưới phần củ nưa tướt lên, đem rửa sạch cho ráo. Muốn nấu chột nưa nhanh mềm thì lấy chày đập sơ qua rồi cắt khúc. Sau đó lấy một ít tôm sông, bóc sạch phần vỏ, ướp với các loại gia vị như nước mắm, hạt nêm, tiêu hành băm nhuyễn, rồi bật bếp lên cho một ít dầu, phi hành tím cho thơm, bỏ chén tôm đã ướp, um qua cho thấm rồi thêm một tô nước, đánh thêm một muỗng ruốc, thêm một ít muối, hạt nêm rồi đun sôi lên, tiếp đến cho nưa đã sơ chế vào nấu trong vòng 15 đến 20 phút, cho đến khi nước sấp sấp, chột nưa mềm là được, cuối cùng thêm một ít bột ngọt và cắt lá lốt thành sợi cho vào. Như vậy là đã hoàn thành nồi chột nưa kho tôm. Ăn cùng với cơm trắng rất đưa miệng, mỗi lần về quê thấy nồi nưa kho tôm trên bàn cảm giác như được đoàn tụ với các thành viên trong gia đình, ăn một bữa cơm trọn vẹn, không khí trở nên ấm cúng vô cùng.

Ảnh: Sưu tầm

Món ăn này đã dần đi sâu vào trong tiềm thức của những người con xứ Huế. Nó thể hiện sự khéo léo của những bà nội trợ quê tôi, không chỉ ngon miệng mà cũng rất tốt cho sức khỏe bởi tính thanh mát của nó. Tôi thích cái sự mộc mạc, đơn giản, mang tính cây nhà lá vườn mà tạo ra món ngon tốt cho sức khoẻ như món ăn này đem lại. Tương lai, dù thành phố Huế của chúng ta có phát triển đến đâu thì những món ăn dân dã như vậy vẫn sẽ giữ được vị trí của nó trong lòng người dân nơi đây.

Tên tác giả: Lê Thị Mỹ Châu

 
 
 

Bài viết liên quan