NHỚ BÁT CANH RAU ĐỒNG NỘI!

“…Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều…”

Chiều, những ngọn gió chướng làm cho tâm hồn bất chợt mát rượi với những hoài niệm về miền Trung quê tôi… Chợt nhớ nhà! Nỗi nhớ cứ miên man theo từng bước chân ra ngõ. Bất chợt bên góc vườn nhà ai, một giàn mướp hương buông những trái dài lủng lẳng.

Chao ôi là nhớ! Nhớ rau bồ ngót, lá rau dền cơm non mượt, củ khoai lang ngọt ngào hương đồng nội, cùng dăm nắm tôm sông ngọt ngào cho một bát canh rau…

Ảnh: Sưu tầm

Mạ (mẹ) tôi là người đàn bà chân lấm tay bùn, ít học, nhưng không ai sánh được bà ở tấm lòng yêu chồng, thương con vô hạn, có lẽ đây là nét đặc trưng của người phụ nữ miền Trung chịu thương, chịu khó nói chung, Thừa Thiên Huế quê tôi nói riêng. Anh em tôi lớn lên nhờ những con tôm, con cá mạ vẫn còng lưng mò trên ruộng cạn mỗi buổi chiều cuối ngày. Vườn nhà bé xíu nhưng má trồng chẳng thiếu loại rau gì, từ cây ớt chỉ thiên quả bé tí mà cay cháy lưỡi, đến giàn mướp hương, luống khoai lang, đám rau bù ngót… Mỗi tối, sau khi đã cơm nước xong, mạ lại tỉ mỉ ngồi bó từng bó rau để sáng mai đem ra chợ Xép bán, kiếm ít đồng lời từ công lao khó nhọc, lấy tiền đóng học phí cho anh em tôi. Những ngọn rau non mượt nhất bao giờ cũng dành để bán và luôn để phần còn lại cho nồi canh sắp nấu. Đến bữa, anh em tôi thi nhau húp xì xà xì xụp trong cái nhìn âu yếm, thương yêu của mạ.

Tôi nhớ nhất những buổi còn ở nhà. Đi học về đến cổng là tôi đã la toáng lên hỏi mạ ơi có gì ăn không? Mạ lúi húi bên chuồng heo trả lời vọng ra: “Kiếm cho mạ nắm bù ngót nấu canh ăn cho mát đi con”. Thế là tôi chạy ào vào bếp, cắp cái rổ ra vườn hái cho bằng được nắm bù ngót với một niềm say mê đến lạ lùng.

Ảnh: Sưu tầm

Mạ nói, nấu canh rau sẽ không ngon, không ngọt nếu thiếu củ khoai lang cắt thành từng thỏi nhỏ, và lại càng không thơm, không mát khi thiếu những trái mướp hương. Mùi thơm của nhúm tôm sông được má xào sơ qua trước khi cho nước vào để nấu canh, từ dưới bếp vọng lên làm tôi phải nuốt nước miếng cái “ực” khi nghĩ đến vị ngọt đậm đà của tô canh nóng sắp ăn. Rứa đó, dù có đi đến phương trời nào, cũng không bao giờ tôi quên được.

Có lẽ không ít người, trong cuộc đời mình, đã từng ăn chén canh vương giả với cao lương mỹ vị, nhưng nồi canh mạ nấu vẫn mang một đặc trưng khó tả…nấu canh rau phải chịu khó rửa riêng từng loại rau; khi nấu cũng vậy, khi nồi canh đã sôi với những con tôm sông đập dập thì phải bỏ từng củ khoai cắt thỏi vào trước, rồi mới đến các loại rau mau chín khác như mướp hương, rau bồ ngót… và nêm thêm chút nước mắm, chút ruốc cùng gia vị khác cho vừa ăn. Bên mâm cơm đạm bạc, chỉ có dĩa cá cấn kho khô, chén nước mắm dầm ớt, tô canh rau, cả nhà tôi quây quần bên nhau, xúm xít chìa chén cho mạ bới cơm, thi nhau húp canh và thi nhau kể chuyện học hành ở trường cho mạ nghe, và nghe mạ phân giải, khuyên lơn.

Ảnh: Sưu tầm

Giờ đây, cứ mỗi lần nhớ quê, nhớ Huế lại nghe trỗi dậy trong lòng một cảm xúc bâng khuâng, da diết nhớ lại bát canh rau đồng nội thuở nào, bát canh mà vị ngọt chen lẫn với hương thơm đã làm mát cả cuộc đời cho đến tận bây giờ… miền Trung ơi! Huế ơi! Nhớ quá mạ ơi! Người đã đi về cõi mây trắng bay…

Tên tác giả: Đào Minh Tuấn

 
 
 

Bài viết liên quan