Cái món này sau khi cúng xong, ngồi hưởng lộc cuối năm thì anh em tôi đứa nào cũng thích chan vào chén cơm để ăn sau cùng. Tôi cũng thế, sau khi đã thưởng thức đủ các món ngon của mạ nấu, cuối cùng cũng làm thêm một chén cơm chan với canh mướp nấu bún.
Hồi đó, tôi chỉ biết ăn mà không hề biết tô canh này mang một ý nghĩa chẳng khác nào câu chuyện “bánh chưng bánh giầy” trong truyền thuyết lịch sử của nước ta. Sau này lớn không, mạ mới nói cho chúng tôi nghe.
Mạ nói: “Ba mươi Tết, cúng chi thì cúng, phải có một vài tô canh mướp nấu bún để mà cúng. Ôn mệ già rồi, răng cỏ còn mô (Ông bà già rồi, răng không còn) nữa mà ăn thịt ăn cá. Chỉ húp được vô miệng là may lắm rồi. Canh mướp nấu với bún không cần nhai mà chỉ nuốt “trộng”…! (nuốt chửng, nuốt hết trong một lần)
Ôi, thì ra đây là tô canh thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu dâng lên cúng ông bà trong dịp giỗ kỵ hay cúng ngày cuối cùng của năm cũ.
Tô canh mướp nấu với bún và tôm tươi thì quá đơn giản. Tôm tươi mạ mua về, lột vỏ rồi giã nhỏ. Mướp thì mạ chỉ chọn mua loại mướp khía về để gọt nấu canh. Canh chín, mạ thả vào một ít vắt bún tươi. Chỉ đơn giản thế thôi!
Khác với những món canh khác, trong nồi canh có bỏ thêm các gia vị như tiêu, ớt, hành ngò, riêng món canh mướp này, mạ không bỏ chút gia vị nào trong các thứ đó vào trong tô canh cả. Mạ nói: “Bỏ tiêu ớt vào canh sợ ông bà ăn cay rồi “sặc”. Bỏ hành ngò vào thì sợ
ăn mắc cổ…”
Cũng theo lời mạ (mẹ), mướp khía ăn hiền, không độc và ăn dễ tiêu so với mướp hương hay các loại bầu bí khác. Ngoài ra mạ cũng nói thêm: “Gọt vỏ mướp khía khó hơn gọt mướp hương, ngồi gọt từng chút vỏ mới hiểu được công lao dưỡng dục trời biển của những đấng sinh thành”.
Sau này lớn khôn đi phương xa lập nghiệp, chiều 30 Tết tôi khó tìm đâu ra quả mướp khía để nấu canh dâng lên cúng ba mạ, thế nhưng hình ảnh tô canh mướp nấu bún của mạ trong những ngày giỗ Tết ở quê nhà cứ đọng mãi, đọng mãi trong tâm trí tôi. Tô canh mà người quê tôi gọi là “tô canh hiếu thảo”.
Tên tác giả: Tôn Thất Thọ