BÁNH THUẪN – HƯƠNG VỊ NGỌT NGÀO TRONG NGÀY LẬP XUÂN

Theo truyền thống quê tôi, vào những ngày tết cổ truyền nhà nhà sẽ tự tay chuẩn bị một số mứt bánh trước cúng gia tiên sau mời khách đến chơi nhà. Và một trong những món mứt bánh mẹ làm mà tôi ấn tượng và yêu thích hơn cả là bánh thuẫn. Những chiếc bánh bé bé, xinh xinh ngày đó luôn làm chúng tôi háo hức, mong chờ.

Tôi sinh ra trên mảnh đất cố đô vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, khi đó cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn và gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Năm 11 tuổi, chú tôi từ Hà Nội vào đón tôi ra sống cùng để bớt đi gánh nặng cơm áo cho mẹ. Thế là tạm từ biệt gia đình, bạn bè, tôi khăn gói ra thủ đô sinh sống và học tập.

Ảnh: Sưu tầm

Những năm sống xa quê lòng tôi không khi nào nguôi nỗi nhớ nhà, nhất là vào những ngày giáp tết, khi hoa đào nở rộ trên khắp phố phường và dòng người hối hả ngược xuôi, bận rộn sắm sửa cho một mùa xuân mới lại về là lòng tôi lại cuộn trào nổi nhớ nhà da diết, khôn nguôi. Bởi đây là thời điểm ở quê nhà mẹ tôi đang tất bật chuẩn bị các món ăn cho ngày đầu năm mới. Theo truyền thống quê tôi, vào những ngày tết cổ truyền nhà nhà sẽ tự tay chuẩn bị một số mứt bánh trước cúng gia tiên sau mời khách đến chơi nhà. Và một trong những món mứt bánh mẹ làm mà tôi ấn tượng và yêu thích hơn cả là bánh thuẫn. Những chiếc bánh bé bé, xinh xinh ngày đó luôn làm chúng tôi háo hức, mong chờ.

Ảnh: Sưu tầm

Cách làm món bánh này cũng đơn giản chứ không hề cầu kì, phức tạp. Để có được những chiếc bánh thuẫn vàng ươm, thơm ngon, mẹ sẽ chuẩn bị các nguyên liệu gồm bột bình tinh, bột nở, vani, đường cát trắng và trứng vịt (bây giờ bánh được làm bằng trứng gà nhưng hồi đó trứng gà là thực phẩm khan hiếm nên mẹ thay trứng gà bằng trứng vịt) sau đó mẹ sẽ cho các nguyên liệu vào trộn với nhau theo tỉ lệ có sẵn, đánh cho tơi, ủ trong một thời gian nhất định rồi nhóm lò và đổ bánh, dụng cụ dùng để đổ bánh là một chảo gang có hai mặt với tay cầm. Mẹ sẽ quét một lớp dầu vào chảo đun nóng lên sau đó dùng một cái muôi múc bột đổ vào từng ô nhỏ trong khuôn rồi đậy lại và để lửa sao cho đừng to quá mà cũng không nhỏ quá. Chúng tôi ngồi bên bếp than hồng, vừa rộn ràng giúp mẹ bớt củi, nhỏ lửa, vừa háo hức ngóng trông những chiếc bánh bé xinh dần hiện lên cùng mùi hương ngọt ngào hòa quyện trong không gian ấm áp của những ngày cuối đông đầu xuân giá rét ấy…

Ảnh: Sưu tầm

Sau khi làm xong mẻ bánh cuối cùng mẹ sẽ gói gọn vào giấy báo cất đi, chờ đến đêm giao thừa, sẽ đặt lên bàn thờ tổ tiên cúng, xong bánh sẽ được mẹ hạ xuống cho cả nhà cùng thưởng thức. Khi đó, cả gia đình quây quần bên nhau, vừa chậm rãi nhấm nháp hương vị thơm ngon của những chiếc bánh vừa háo hức nhận những bao lì xì cùng lời chúc tết của ông bà, cha mẹ trong tiếng cười nói và tiếng pháo râm ran xa gần của đêm 30…

Sau này lớn lên, cuộc sống tốt hơn, tôi được đi nhiều nơi thưởng thức nhiều món ngon của các vùng miền trên khắp Tổ quốc, nhưng món bánh thuẫn với hương vị ngọt ngào ngày ấy vẫn mãi nguyên vẹn trong kí ức tuổi thơ tôi.

Tên tác giả: Nguyễn Thị Phương Lan