MUỐN ĂN THÌ “LĂN” VỀ NAM PHỔ

Trải qua nhiều thế hệ “gia truyền”, dần dần thành làng nghề ẩm thực Nam Phổ. Gái làng dù theo chồng đi xa, vẫn giữ nghề “gia truyền” để mưu sinh. Trong các đặc sản, nổi tiếng nhất chính là món bánh canh Nam Phổ.

Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào Thuận Hóa năm 1558, đến nay đã tròn 465 năm. Theo dòng người nam tiến vào Thuận Hóa khai canh, khẩn hoang lập làng, Nam Phổ cần cù, siêng năng chuyên nghề làm ruộng vườn. Về phần người phụ nữ lo việc nội trợ, khéo tay hay làm các món giỗ kỵ hay lễ tết. Theo sách “Phủ biên tạp lục” Lê Quý Đôn viết: – làng Nam Phổ thuộc huyện Tư Vinh (sau đổi thành Phú Vinh, Phú Vang) phụ nữ nổi tiếng nấu ăn giỏi.

Ảnh: Sưu tầm

Trải qua nhiều thế hệ “gia truyền”, dần dần thành làng nghề ẩm thực Nam Phổ. Gái làng dù theo chồng đi xa, vẫn giữ nghề “gia truyền” để mưu sinh. Trong các đặc sản, nổi tiếng nhất chính là món bánh canh Nam Phổ. Món này bốn mùa đều bán thường xuyên. Trẻ em ba, bốn tuổi đã được mẹ hoặc chị mua “đút” cho từng muỗng, người già hay người mới ốm dậy cũng thích. Người lao động đến bữa “lỡ” thì mua bánh canh, bỏ thêm cơm nguội, ăn ngon lành. Dần dần thương hiệu “Nam Phổ” trở nên quen thuộc, chỉ nhìn biển hiệu “Nam Phổ” người ta biết là những món đặc sản Huế. Một số món tên thật kỳ cục, khó hiểu, “chân quê” như bánh canh, bánh nậm, bánh ít, bánh ướt… Người lạ hỏi: Đã bánh sao còn gọi bánh canh? Bánh ít là bánh gì? Sao gọi bánh là “nậm”? Đành chịu! khó hiểu nhưng mà ngon là được rồi, như tranh Picasso xem rất khó hiểu, nhưng đắt nhất thế giới đó thôi?

Ảnh: Sưu tầm

Làng Nam Phổ giờ đã lên phố, thuộc phường Phú Thượng, cách cầu Trường Tiền 5,5 km. Vẫn thấy ngày ngày, 13 giờ, trên đường Nguyễn Sinh Cung (tên cũ đường Thuận An) từng nhóm phụ nữ đem hàng lên phố bán (người trẻ đi bộ, người già ngồi xích lô). Người sành ăn chờ gánh hàng rong ấy, để mua những đặc sản tuyệt ngon và tinh tế từ chén nước chấm mặn ngọt hay cọng rau thơm thanh sạch. Khách lạ đừng đi ăn đặc sản Nam Phổ vào buổi sáng nhé! vì xui nhất là “đụng” bánh “tồn kho” trong tủ lạnh 2 – 3 ngày, đem hấp lại! Chi tiết này liên quan đến “truyền thống” xưa, ở quê làm gì có tủ lạnh, nước đá, phụ nữ Nam Phổ sáng ra chợ bán hàng, sau đó mua thuỷ sản tôm, cua tươi rói từ đầm Chuồn, đầm Sam, phá Tam Giang lên, chỉ mua đủ bán trong một buổi chiều, không để tới hôm sau. Đặc sản Nam Phổ “gốc” vì thế mới ngon. Nay làng vẫn giữ “nề nếp” xưa chỉ bán buổi chiều! Muốn nhận biết hàng hiệu Nam Phổ còn một chi tiết đặc trưng nữa. Dân làng khi bày các món bánh ra dĩa, thường có những cái “nĩa” vót (chuốt) bằng tre, chuôi cầm nhỏ và lưỡi như dao. Cái nĩa tre cỏn con ấy cũng góp phần tạo nên “cái chất” muôn thuở của đặc sản Nam Phổ.

Ảnh: Sưu tầm

Qua năm tháng, chiếc đòn gánh kẽo kẹt trên vai, đôi chân trần rảo bước trên hè phố đã đến lúc lùi vào dĩ vãng. Thời nay, cần một chỗ bán cố định. Có như vậy, mới hy vọng tồn tại trong thị trường cạnh tranh bát nháo để người Nam Phổ tiếp tục quảng bá được cái “hồn” đặc sản quê hương.

Tên tác giả: Xanh Đoàn