CHÈ “CHỎNG VÓ”

Thế nên cái cảm giác hồi hộp khi mở mẻ chưng cơm rượu ra, được hít thật sâu để ngửi hết mùi mẻ cơm đầu tiên và tan chảy khi thả những thìa đường vào chuẩn bị thưởng thức.

Xuất phát từ cái tên lạ lùng này chính là việc hồi dăm ba chục năm về trước, ba tôi thường làm cơm rượu cho cả nhà ăn vào bữa lỡ. Đây cũng cơ hội ba tôi được giải khát, đã cơn thèm “chất cay cay” vì gia đình còn khó khăn, đâu dễ mua chai bia khổ 650ml thường xuyên hay rượu Tây rượu Tàu quả là điều viển vông.

Thế nên cái cảm giác hồi hộp khi mở mẻ chưng cơm rượu ra, được hít thật sâu để ngửi hết mùi mẻ cơm đầu tiên và tan chảy khi thả những thìa đường vào chuẩn bị thưởng thức. Cuối cùng sau khi cả nhà cùng ăn là màn say… chỏng vó mà tôi cũng không là ngoại lệ.

Ảnh: Sưu tầm

Khi tuổi đời đã đôi mươi, túi chè rượu nếp ở góc chân cầu Đông Ba đen là phần quà buổi chiều mà tôi thường mang sang cho người yêu ở đường Nguyễn Chí Thanh. Có lẽ món này giúp nàng ăn lót dạ để tiếp tục càng thêm say tôi để bây giờ đã trở thành bà xã của tôi!

Mà món chè rượu nếp nghe đâu là món ăn có từ lâu đời ở Huế được chế biến theo phương pháp lên men cổ truyền rất nhiều người yêu thích. Đây cũng là món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Huế lớn tuổi.

Cơm rượu làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp, được nấu chín thành xôi rồi để nguội, sau đó ủ với men cho lên men thành rượu. Gọi là “Cơm rượu” chứ có khi làm từ cơm nguội nhưng lúc thì làm từ nếp cái hoa vàng dẻo và thơm, ngọt hơn các loại nếp khác.

Ảnh: Sưu tầm

Để có một mẻ chè ngon cần theo công thức tỉ lệ một cân nếp mang lên nấu sẽ đi kèm với mười hai viên men. Khi xôi đã chín cần trải ra, xơi xới cho nhanh nguội, nếu người nào muốn cho cơm rượu lên men nhanh hơn thì bỏ men vào khi xôi vẫn còn âm ấm. Cần phải nén xôi cho chặt để khi cắt ra viên không bị vụn. Đồng thời trong quá trình lên men phải bịt kín không cho không khí tiếp xúc tránh làm cho mẻ cơm bị chua hoặc đắng. Nếu làm không kỹ thì cơm sẽ nhão ra không còn ăn được.

Ly chè rượu nếp có màu trắng đục, nổi bồng bềnh trong ly chè mát lạnh là những miếng cơm nếp rượu trắng mịn được cắt theo khối vuông vừa ăn. Khi bỏ miếng chè vào miệng, vị thanh ngọt của đường cộng với chút nồng nồng của men rượu hòa quyện với miếng cơm rượu dẻo thơm tạo nên một cảm giác khó quên.

Ảnh: Sưu tầm

Bữa nay tôi cũng ít ghé quán chè gần cầu Đông Ba mua món này bởi chợ Trường An gần nhà cũng có mà dì ngồi bán nơi đây có gia đình ở gần phố cổ Gia Hội.

Có nguồn thông tin trên báo cho rằng, chè cơm rượu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như: giúp hạ nồng độ cholesterol có hại trong máu, ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, tốt cho tim mạch, bồi bổ cơ thể, kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng và ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm cho cơ thể. Vậy thì không có lý do gì để tôi từ bỏ món khoái khẩu này cả.

Ôi, muốn trời nhanh sáng để đi chợ mua về vài túi chè cơm rượu giải khát quá đi thôi!

Tên tác giả: Phan Quốc Vinh

 
 
 

Bài viết liên quan