CHÈ NÓNG KHOAI MÔN SÁP VÀNG – HƠI ẤM CỦA NGÀY LẬP ĐÔNG

Lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn món chè nóng khoai môn sáp vàng. Mạ kể cho tôi nghe, ở Huế có rất nhiều món chè, nhưng không thể không nhắc đến món chè khoai môn sáp vàng.

Tôi thuộc thế hệ đầu của 7x, sinh ra ở Quảng Bình và lớn lên trong thời kỳ bao cấp. Thời kỳ đó mọi nhu yếu phẩm của cuộc sống đều được phân phối theo dạng tem phiếu và cấp phát bởi Nhà nước. Vì thế luôn phát sinh những thiếu thốn về vật chất và gặp muôn vàn khó khăn thời hậu chiến mà không thể một sớm một chiều giải quyết được. Cuộc sống nghèo khổ, ăn không đủ no, lương thực chính chỉ có sắn lát và mì hột. Cơm độn khoai sắn là hạnh phúc lắm vào thời điểm những năm sau giải phóng cho đến khi tôi vào đại học. 

Ảnh: Sưu tầm

Bước chân vào Đại học giai đoạn những năm 90 với môi trường mới, cuộc sống mới ở vùng đất cố đô Huế, tôi sống trong ký túc xá của sinh viên, mùa đông về lúc nào cũng nghe tiếng rao ở ngoài đường của những người bán hàng rong: “Ai chè nóng không?”. Tôi ngạc nhiên ngớ ngẩn, bởi chưa bao giờ được nghe và được ăn những món ăn như thế này. Cuộc sống nghèo khổ, mãi đến những năm rời ghế trường Đại học, tôi đi làm và lấy chồng người Huế. Một hôm, vào ngày đông lạnh, tôi đi làm về gặp lúc mạ chồng đang nấu một nồi chè nóng. Mạ chồng tôi rất thương yêu con cái, “mùa nào thức nấy” mạ thường chọn lựa nguyên liệu tươi ngon và nấu những món ăn phục vụ cho chồng con. 

Ảnh: Sưu tầm

Lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn món chè nóng khoai môn sáp vàng. Mạ kể cho tôi nghe, ở Huế có rất nhiều món chè, nhưng không thể không nhắc đến món chè khoai môn sáp vàng. Chè được nấu với những nguyên liệu vô cùng đơn giản, dễ tìm như nếp, khoai môn sáp vàng, gừng tươi và đường. Dưới bàn tay khéo léo của mệ ngoại, những nguyên liệu bình thường ấy trở thành món ngon khó quên. Mạ học bí quyết từ mệ ngoại ở cách chọn nguyên liệu đến cách chế biến. Để nấu được một chén chè khoai môn sáp vàng ngon thì yêu cầu nếp phải nở nhuyễn, dẻo, hòa quyện với khoai môn chín mềm nhưng không vỡ nát. Khoai môn để nấu chè ngon nhất nên chọn loại môn sáp vàng. Môn sáp dẻo thơm, nấu chè sẽ có màu vàng đẹp. Khi nấu chè khoai môn nhất thiết phải cho thêm ít gừng tươi cắt nhỏ. Gừng sẽ giúp món chè có vị thơm nồng ấm. Chè khoai môn sáp vàng ăn lúc còn nóng là tuyệt vời nhất. 

Ảnh: Sưu tầm

Để có chén chè khoai môn ngon, ta nên tách việc nấu khoai môn và nếp thành hai công đoạn khác nhau. Nếp vo đãi sạch, cho vào nồi với lượng nước vừa phải nấu đến khi nở bung, nhuyễn. Khoai môn sáp gọt vỏ, rửa sạch, cắt khoai thành miếng vừa ăn. Nấu khoai với lượng nước vừa xăm xắp mặt khoai là được. Sau khi môn chín mềm, cho toàn bộ số nếp đã nấu nhuyễn nở vào. Dùng vá (môi) đảo đều để khoai và nếp quyện vào nhau. Cho đường cát vào nồi nhỏ cùng một chén nước, bắc lên bếp chờ cho nước sôi lăn tăn, cho thêm gừng tươi cắt nhỏ. Đổ toàn bộ nước đường gừng này vào nồi khoai nếp. Thêm lượng nhỏ muối để tăng vị đậm đà cho món ăn. Tiếp tục nấu trên lửa vừa đến khi chè sôi đều, khoai và nếp ngấm đường (chừng 5 phút) là được. 

Mặc dầu mạ đã rời xa chúng con mãi mãi, nhưng vào những ngày Đông, mưa phùn vẫn lất phất rơi, gió lạnh vẫn thổi, trên tay chén chè khoai môn nóng hổi, con nhớ đến mạ, trong lòng con luôn có một cảm giác ấm áp lạ thường, bởi hơi ấm và tình cảm của mạ vẫn luôn khắc sâu trong trái tim con.

Tên tác giả:  Lê Thị An Hòa