“VẢ KHO SẢ ỚT” MÓN CHAY TỪ VƯỜN NHÀ

Đi khắp nước ta từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có cây vả nhưng chỉ ở Huế là được trồng nhiều nhất, hầu như ở các chùa và vườn nhà nào cũng có từ một đến vài cây.

Đi khắp nước ta từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có cây vả nhưng chỉ ở Huế là được trồng nhiều nhất, hầu như ở các chùa và vườn nhà nào cũng có từ một đến vài cây. Trái vả gắn với ký ức tuổi thơ của bao người con xứ Huế, bữa cơm nào hầu như cũng có, trong mâm kỵ của gia đình Huế xưa không thể thiếu mấy món chế biến từ vả. Từ những trái vả, người Huế đã sáng tạo ra vô vàn những món ăn độc đáo tạo nên một nét đẹp tinh hoa đặc sắc riêng biệt của ẩm thực Huế. Vả có thể dùng ăn sống, nấu chín, làm nộm, làm gỏi, làm rượu, làm trà, nấu canh, chiên, xào… hay kho. Cùng với hạt sen Huế, vả lọt top 50 món ăn đặc sản của Việt Nam. Quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Bên trong quả có lớp cơm màu trắng – đó là phần dùng để chế biến thức ăn.

Ảnh: Sưu tầm

Huế về đông khi những cơn mưa dầm kéo đến, giữa cái lạnh bủa vây, người ta thường tìm đến những món ăn với nước lèo nóng hổi hay những món kho, ăn với cơm nóng để sưởi ấm chiếc bụng đói. Thường mùa này, món thịt kho ruốc sả ớt rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn là người ăn chay thì có thể chọn món “Vả kho sả ớt” lạ miệng, ăn rất hao cơm. Món này đơn giản, dễ làm chỉ cần cầm chiếc rổ con con ra vườn, hái vài trái vả, lặt vài quả ớt, nhổ vài cây sả là đã có đủ nguyên liệu chính cho món “Vả kho sả ớt” thơm ngon, hấp dẫn.

Đầu tiên đem vả gọt vỏ, cắt khúc, ngâm trong nước muối để ra hết mủ rồi rửa sạch. Sau đó đem vả chiên vàng lên trước khi kho để tạo màu sắc, tăng độ thơm ngon và quan trọng là để giảm bớt vị chát của vả. Sả đập dập cắt khúc nhỏ, ớt thái làm đôi. Cho dầu vào chảo chờ sôi thì cho sả vào phi thơm. Tiếp theo cho vả đã chiên vào trộn đều rồi cho thêm ớt, thêm ít nước, nêm gia vị rồi rim với lửa nhỏ cho ngấm. Cũng là mùi hương thơm phức cay nồng của sả ớt nhưng chúng đã được chế biến thành món chay theo một cách khác rất nhẹ nhàng và thanh tao. Vị cay cay, nóng nóng ấy đủ xoa dịu những cơn mưa mùa đông lạnh giá. Độ giòn sựt, đậm đà của vả đã ngấm đều gia vị có thể khiến người ta ăn liên tiếp vài ba bát cơm.

Quả vả có rất nhiều công dụng. Theo đông y, quả vả có vị ngọt, tính bình, có dược tính phòng và chữa bệnh táo bón, kiết lỵ, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu, tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ (9,8 gam) và ít năng lượng (100 gam khô cho 250kcal).

Ảnh: Sưu tầm

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta bị cuốn theo những vòng quay vội vã, hãy sống chậm lại bằng cách lựa chọn những điều đơn giản, gần gũi nhất. Một ngày nào đó bạn hãy thử dạo quanh vườn nhà tìm hái những trái vả xanh biếc mọc ở gốc thân hoặc trên các cành ngắn của thân già, chọn trái ớt chín đỏ đung đưa, bụi sả tươi tốt thoảng mùi hương dễ chịu…Từ những nguyên liệu có sẵn hết sức bình dân, quen thuộc đó bạn đã có thể chế biến ra món “Vả kho sả ớt” thanh đạm cho những ngày trời trở lạnh. Dù ăn chay hay ăn mặn thì “Đỉnh cao của ẩm thực vẫn chính là dưỡng sinh”. Ăn chay thiện lành, thuần khiết mang nguồn dưỡng chất tự nhiên, xanh sạch, bổ dưỡng vào cơ thể không chỉ là một cách giúp con người thêm gần gũi với thiên nhiên mà còn giúp chúng ta sống khỏe – sống đẹp – sống an lành mỗi ngày.

Tên tác giả: Nguyễn Thị Bích Vân