CHÈ KHOAI MÔN

Nếu có ai hỏi về món ăn đặc biệt tôi sẽ không chần chừ mà trả lời rằng : Món chè khoai Tía. Đó là miền ký ức của tuổi thơ, là nét đẹp vấn vương với Huế từ khi tôi có mặt trên đời.

Cầm chén chè nóng hổi thơm thoảng mùi gừng ấm trong tay, hình ảnh thân thuộc bên bếp lửa cùng bà ngoại lại hiện về rành mạch, thân thương đến lạ kỳ. Nhớ cơn mưa rả rích, nhớ tấm lưng ướt đẫm trong mưa, nhớ dáng ngoại lom khom đi chợ trưa về. “ Ngoại ơi, con thèm chè khoai tía”. Tình yêu thương vô điều kiện với con cháu, sự tần tảo nắng mưa đã chất chứa trong từng chén chè mỗi lần ngoại nấu cho tôi ăn.

“ Ngồi xuống đây ngoại vẻ cho mà làm!”

Ảnh: Sưu tầm

Trước tiên, khoai lang tím gọt vỏ, cắt khúc vuông và luộc chín với nước xăm xắp. Nước luộc khoai lang có màu tím đậm, dùng nước này để nấu chè thì chè sẽ có màu tím rất đẹp mà lại thơm, khoai đã luộc chín vào máy xay cùng với 1 hoặc 1 chén rưỡi nước luộc khoai, xay thật mịn rồi sên khoai với đường trên lửa nhỏ, khuấy nhẹ nhàng, đều tay và liên tục để chè không bị dính nồi cho đến khi thấy hơi nặng tay là có thể tắt lửa và hạ ngay nồi khỏi bếp nếu không độ nóng của bếp sẽ tiếp tục làm sít nồi. Trước khi tắt bếp khoảng 2-3 phút, cho một ít gừng dã nhuyễn vào cho thơm. Múc chè ra chén khi còn nóng, dùng tay vỗ nhẹ vào thành chén cho chè láng mặt; để một lúc, chè sẽ đặc lại như chè đậu xanh đánh và cũng có một lớp ván cứng trên bề mặt. Người Huế thường không cho đá vào chè vì “ăn chè mà bỏ đá răng biết được chè của o nớ có dẻo, ngọt vừa miệng khôn?”

Ảnh: Sưu tầm

Nhắm mắt mơ màng, giọng ngoại vẫn còn văng vẳng bên tai. Chiều mùa đông này, con nhớ ngoại vô cùng, con nhớ màu tím của chén chè khoai tía ngoại nấu nên chẳng bao giờ đành lòng xa Huế ngoại ơi.

Tên tác giả: Lê Nguyễn Xuân Phương