Ở vùng đất phù sa ven triền sông Bồ (H. Quảng Điền, T.Thừa Thiên- Huế) quê tôi ngày ấy, những người dân quê và mạ tôi, ngoài trồng đậu, bắp ra, còn tranh thủ trồng thêm những hàng cà dĩa (đĩa) để có thêm thức ăn hàng ngày.
Còn nhớ tuổi thơ, vào những buổi chiều nghỉ học, tôi theo mạ (mẹ) ra cánh đồng sông Bồ để rong chơi và giúp mạ hái những trái cà dĩa to bằng cái chén ăn cơm nhưng hơi dẹp. Lúc bấy giờ, mạ tôi ân cần chỉ cho tôi cách hái những trái cà dĩa mà không ảnh hưởng đến cây trồng.
Và khi mặt trời gát núi, mạ tôi mang những trái cà dĩa về nhà rửa sạch để ráo nhằm chế biến nhiều món ăn dân dã như: cà xào với lá lốt, cà luộc chấm mắm ruốc, cà tươi xắt chấm mắm ruốc, cà kho với cá khô, cà nấu canh với tép khô, cà muối ăn vào mùa Đông… Song, món tôi thích nhất là món cà dĩa chiên với tỏi do mạ tôi chế biến.
Để chiên, sau khi rửa sạch cà, mạ lấy dao khứa 2 mặt của trái cà nhiều nhát để chiên cho mau chín và ngâm vào nước muối khoảng 10 phút sau đó vớt ra cho vào nước sôi luộc qua cho cà vừa chín thì vớt ra để ráo. Sau đó, mạ dùng dầu phộng phi với tỏi cho thơm, bỏ những trái cà đã sơ chế vào chiên lửa nhỏ, đồng thời trở qua, trở lại cho chín đều và nhắc xuống gắp ra đĩa để dằm với nước mắm ngon và ớt, tỏi. Vào mùa mưa bão, đi học về gặp mâm cơm nóng dẻo ăn với cà chiên thơm nức mũi thì không còn gì ngon bằng.
Ngoài ra, những khi cà ra trái rộ, mạ tôi hái nhiều về làm món cà muối dành cho mùa Đông. Để có được hũ cà muối thực sự ngon, giòn cần phải trải qua rất nhiều công đoạn chế biến rất công phu và đòi hỏi kinh nghiệm cũng như sự tỉ mẩn của mạ. Để có hũ cà muối ngon, mạ chọn loại cà dĩa có trái màu trắng và khía trái cà ra làm 4, có thể phơi nắng hoặc chần qua nước sôi.
Sau khi sơ chế cà, mạ dùng một cái hũ bằng sành, miệng rộng để muối cà. Mạ bỏ vào hủ cứ một lớp cà rồi đến một lớp muối, sau đó gài những thanh tre sạch lên cà rồi dùng vật nặng như một tảng đá nén cho thật chặt cà trong hũ lại, đậy kín nắp hũ để khoảng 15 – 20 ngày sau là cà chín, tùy thích chế biến các món ăn. Lúc bấy giờ, trái cà muối sẽ phồng căng, vỏ ngoài thấy trắng trong và cắn thấy giòn, ngon ăn với nước mắm tỏi ớt rất lạ và ngon miệng, nhất là vào mùa đông giá rét.
Và giờ đây, trong tiết Đông thiên giá lạnh, tôi có dịp đi ven sông Bồ, thấy vườn cà nhà ai đang ngâm trong dòng nước lũ, tôi lại nhớ về mạ tôi đã “lặn lội thân cò”, vất vả ven sông nuôi đàn con thơ dại giờ đây đã ra người thiên cổ, nhớ cả nhà tôi quây quần ăn bữa cơm nóng sốt dẻo với món cà chiên dân dã thơm ngon đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời.
Tên tác giả: Lê Văn Kỳ