Những phiên bản bánh canh nhất định phải ăn thử ở Huế

Khám phá tinh hoa ẩm thực Huế qua những phiên bản bánh canh độc đáo, từ đậm đà hương vị làng Nam Phổ đến lạ miệng với bánh canh bột lộn. Mỗi món ăn là một câu chuyện văn hóa, một trải nghiệm khó quên của xứ Huế mộng mơ.

Bánh canh Huế là một điểm nhấn không thể bỏ qua khi ghé thăm Cố đô, với những phiên bản đa dạng, từ hương vị đậm đà đến cách chế biến cầu kỳ. Mỗi loại bánh canh lại mang nét đặc trưng riêng của vùng đất cố đô. Hãy cùng khám phá một số phiên bản bánh canh độc đáo ở Huế mà bạn nhất định phải thử khi có dịp ghé thăm nơi đây!

Khám phá tinh hoa ẩm thực Huế qua những phiên bản bánh canh độc đáo

1. Bánh canh Nam Phổ – Hương vị đậm đà, độc đáo từ làng quê

Bánh canh Nam Phổ, có xuất xứ từ làng Nam Phổ thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, là một trong những món ăn đường phố trứ danh của Huế. Nước dùng sệt đặc, được nấu từ vỏ tôm tươi cùng xương heo, kèm theo một chút mắm ruốc tạo nên hương vị thơm lừng đặc trưng mà không nơi nào có được. Sợi bánh canh mềm dẻo làm từ bột lọc, kết hợp cùng phần mọc tôm beo béo, khiến vị giác bạn như được “đánh thức”.

Điểm ăn ngon 

Ở Huế, bạn có thể tìm thấy bánh canh Nam Phổ ở các quán nổi tiếng trên đường Bà Triệu, Phạm Hồng Thái, hoặc chợ Đông Ba. Mỗi bát bánh canh Nam Phổ có giá dao động từ 25.000 – 35.000 đồng, là một lựa chọn vừa túi tiền mà lại thơm ngon khó cưỡng.

Bánh canh Nam Phổ

2. Bánh canh cua rời – Biến tấu đậm đà từ thịt cua

Bánh canh cua rời là sự biến tấu từ bánh canh truyền thống, thay vì dùng thịt heo hay huyết, món này chỉ sử dụng thịt cua tươi. Thịt cua phải là loại to, chắc để giữ nguyên độ ngọt khi nấu. Nước dùng được ninh từ gạch cua và xương, đem lại vị ngọt thanh, đậm đà. Sợi bánh canh làm từ bột gạo, dai dẻo tự nhiên, hoàn hảo để “ôm trọn” phần nước dùng đậm đà.

Điểm ăn ngon

Bánh canh cua rời thường xuất hiện trên các con đường Phạm Hồng Thái và Phan Đình Phùng. Mỗi bát có giá từ 30.000 – 35.000 đồng, rất thích hợp cho những buổi chiều mát mẻ, khiến thực khách không thể không xuýt xoa khen ngợi.

Ảnh: Sưu tầm

3. Bánh canh cá lóc – Vị ngọt đậm đà từ sông suối

Bánh canh cá lóc ở Huế khác biệt từ cách chọn cá đến cách chế biến. Cá lóc được ướp cùng mắm ruốc và các gia vị đậm đà trong vòng hai tiếng, rồi mới đem chiên vàng để dậy hương. Nước dùng nấu từ xương ống heo và phần đầu, xương cá lóc, tạo nên một vị ngọt thanh, dịu dàng. Mỗi tô bánh canh bốc khói nghi ngút, kèm theo rau sống tươi ngon, làm nên một trải nghiệm tuyệt vời cho thực khách.

Điểm ăn ngon

Một số quán bánh canh cá lóc ngon nằm trên các tuyến đường Dương Văn An, Điện Biên Phủ, và Đinh Công Tráng. Giá mỗi bát bánh canh cá lóc chỉ từ 20.000 – 0.000 đồng, rất phải chăng cho một món ăn đầy dinh dưỡng và hấp dẫn.

Ảnh: Sưu tầm

4. Bánh canh bột lộn – Đặc sản giản dị, độc lạ chỉ có ở Huế

Bánh canh bột lộn là món ăn chỉ có thể tìm thấy ở Huế. “Bột lộn” thực chất là những phần bột lọc cuối cùng trong quá trình làm bánh, mang màu sắc không tinh khiết như bột lọc thường nhưng lại có vị chua nhẹ đặc trưng. Sợi bột lộn ngắn và mềm dẻo, vừa ăn. Để tạo nên hương vị đậm đà, nước dùng cho món bánh canh này phải sử dụng con rạm (còn gọi là con đam) bắt từ đồng ruộng. Rạm được nấu cùng xương heo và thịt nạc, tạo ra một hương vị ngọt thanh, lạ miệng.

Điểm ăn ngon

Bánh canh bột lộn không phổ biến, và thường chỉ bán ở những gánh hàng nhỏ gần chợ Cống, trên đường Bà Triệu, Xuân Phú. Với mức giá từ 5.000 – 20.000 đồng/bát, đây thực sự là một lựa chọn vừa túi tiền nhưng lại vô cùng lạ miệng và hấp dẫn.

Ảnh: Sưu tầm

Dù là dân địa phương hay khách du lịch, khi đến với Huế, bạn nhất định nên thử các món bánh canh đa dạng nơi đây. Mỗi bát bánh canh không chỉ là một món ăn mà còn là một phần văn hóa, là hương vị thấm đẫm tình người và tình đất Huế. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những gợi ý thú vị để khám phá ẩm thực Huế. Và chắc chắn, một chuyến đi Huế sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi một tô bánh canh nóng hổi, đậm đà và quyến rũ.

Nếu có dịp ghé thăm Huế, hãy thử ngay những món bánh canh độc đáo này, chắc chắn sẽ để lại trong bạn những dư vị khó quên, như một dấu ấn đậm nét về xứ Huế thân thương, dịu dàng và đằm thắm.

 
 
 

Bài viết liên quan