Cũng như những món ăn dân dã khác, nguyên liệu chủ yếu từ rau trái quanh nhà. Ngày ấy, mạ đi một vòng quanh vườn là đã đầy ắp một rổ: nhổ vài cọng sả, hái mấy trái ớt chín đỏ, hai ba củ hành tím… còn miếng thịt mỡ mỡ nạc nạc mua ở chợ Cầu Đất (chợ Thuận Hòa) gần nhà. Đôi bàn tay mạ gầy nhưng thoăn thoắt băm nhuyễn tất cả các nguyên liệu, cho thịt lên chiếc nồi nóng đảo cho ra mỡ. Rồi mạ phi thơm sả, hành tím, tỏi, đến khi miếng thịt mỡ trở nên trong, bóng bẩy hòa quyện với các loại gia vị đường, ớt bột, vị tinh (bột ngọt). Cuối cùng mới nêm một loại nguyên liệu không thể thiếu là ruốc. Những thanh củi trên bếp được khơi thiệt nhỏ, mạ đảo đều tay, nồi thịt bắt đầu quyện vào nhau, đổi màu: tim tím, nâu nâu. Mà lạ thiệt (thật) nghe, mùi hăng của ruốc tươi tan biến, chỉ thấy nghi ngút, ngào ngạt thơm nức mũi.
Trời mưa lạnh mà được ăn cơm với món này không những “ấm bụng” mà còn “ấm thân”. Vị thơm thơm của sả, đậm đà của tỏi, béo ngọt của hành tím, cay cay mặn mặn của ớt và ruốc như một bài thuốc chống cảm lạnh về đông. Miếng thịt tan mềm nhưng sần sật bởi lớp da heo ở ngoài níu kéo, vặn vẹo những cái dạ dày đang réo lên ùng ục của chúng tôi…
Thỉnh thoảng tôi cũng học theo mạ, nấu lại cho các con ăn. Tôi cố tình bật nồi cơm điện vài lần, lấy một ít ruốc kho, quẹt lên miếng cơm cháy vàng đưa cho hai đứa. Thằng lớn tròn mắt kinh ngạc hỏi
– Mẹ ơi! Ai nghĩ ra món ni mà ngon rứa mẹ?
– Ừ, chẳng biết từ bao giờ, hồi bà cố ngoại nấu, bà ngoại con học theo rồi đến mẹ cứ thế mà ngấm vào tâm vào lòng. Nó còn bảo “Lần sau mẹ nấu món ni nhớ làm nhiều để con ăn mấy ngày luôn nhé!”.
Tôi cười, hai đứa gật gù, khúc khích, chén gần hết nồi cơm. Người Huế mình sống không vội vã, khoa trương, cũng trọn nghĩa đậm tình. Giống như món ruốc kho của mạ, dù không mỹ vị cao lương, có cay, có mặn nhưng tròn vị ngọt bùi, hòa quyện, bổ trợ lẫn nhau. Sự gắn kết hòa hợp ấy phải chăng là “hương vị tình thân” (1) của người Việt Nam?
(1) Tên bộ phim truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam.
Tên tác giả: Đoàn Thị Mỹ Hà