THANH CAO CHIẾC BÁNH SU SÊ XỨ HUẾ

Huế không phải là vùng đất duy nhất trên cả nước có bánh su sê (hay còn gọi là phu thê) lá dừa. Bánh su sê có ở nhiều nơi, nhưng bánh ở Huế lại mang một ý nghĩa “chúc phúc” và có một hương vị rất riêng.

Ngày trước cho cho mãi đến bây giờ, bánh su sê Huế không sản xuất công nghiệp mà làm hoàn toàn bằng thủ công, điều đó cho thấy được sự tinh tế và trân trọng với chiếc bánh cổ truyền. Cầm chiếc bánh trên tay mới thấy được sự khéo léo của người phụ nữ Huế. 

Bánh có hai lớp vỏ, trong ngoài đều được bọc bằng lá dừa. Lá dừa được xếp nếp thành hình vuông, sống lá cắt thành đoạn ngắn chuốt nhọn làm nẹp cố định cho chiếc hộp. Lớp trong lớp ngoài ôm sát nhau rất dễ đóng lại hay mở ra. Bên trong hộp được lót thêm một khúc lá dứa làm cho chiếc bánh có mùi thơm tự nhiên, cuốn hút. Có gia đình khi chế biến loại bánh này, họ rất kỳ công để tạo nên các khuôn bánh có hình 6 cạnh, 5 cạnh hay có khi chỉ là 3 cạnh hình tam giác làm cho hình ảnh của những chiếc bánh này càng thêm phong phú và bắt mắt.

Ảnh: Sưu tầm

Mạ tôi thường làm bánh su sê trong các dịp giỗ kỵ hay Tết nhất, vì thế theo quan sát, tôi thấy làm bánh su sê không khó, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều công đoạn và thời gian. Các nguyên liệu đều phải sơ chế qua nhiều bước và được chọn lựa kĩ, nhờ đó mới có được những chiếc bánh đem lại cho người thưởng thức cảm giác vừa giòn vừa dai của bột lọc đặc trưng của Huế. Cảm giác sần sật của những sợi dừa non, cái vị ngầy ngậy béo của nhân đậu xanh, hương thơm dịu nhẹ của lá dứa cùng với vị ngọt thanh mát của đường cát trắng đã tạo nên một cảm giác rất thanh cao.

Ảnh: Sưu tầm

Để làm nên những chiếc bánh su sê xinh xắn ngọt bùi đó thì trước hết, bột lọc tươi được nhồi nhuyễn, hòa với nước đường theo tỉ lệ thích hợp. Cho dừa tươi đã xắt thành sợi nhỏ vào hỗn hợp đó rồi trộn đều, bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Bước này, được gọi là giáo bột. Trong khi giáo phải quan sát kỹ vì bột rất dễ cháy phía đáy nồi. Giáo bột sao cho nửa chín nửa sống là được, tức bột sẽ kết dính lại và có màu trắng đục. Đậu xanh nấu chín, xay mịn và nấu thành hỗn hợp dẻo mịn với đường cát trắng.

Ảnh: Sưu tầm

Khi việc sơ chế bột và nhân đã xong thì cho một lớp bột vào khuôn, miếng nhân đậu xanh và đổ tiếp một lớp bột phía trên nữa. Đem hấp chừng 15 phút là bánh chín. Khi hấp bánh phải canh sao cho bột không chín quá, sẽ làm mất đi độ dai. Canh lửa vừa phải để bánh chín đều. Khi chín, bột trở nên trong vắt và dễ dàng nhìn thấy lớp nhân màu vàng óng cùng những sợi dừa ngang dọc bên trong. Bánh su sê hấp dẫn người ăn không chỉ vì sự ngon miệng mà khi nhìn vào trông rất đẹp mắt. Cùng với các mâm cau trầu rượu, bánh phu thê là phẩm vật không thể thiếu trong các mâm quả trong lễ cưới hỏi, với ý nghĩa kết duyên vợ chồng, ước vọng trăm năm hạnh phúc.

Tên tác giả: Tôn Thất Thọ