NỒNG ẤM HƯƠNG VỊ MỨT GỪNG XỨ HUẾ

Mứt gừng nồng ấm cay the Thêm bình trà nóng nhâm nhi chuyện trò Ai ơi xa Huế một thời Không quên vị ngọt cay nồng trên môi

Trong kí ức của tôi, cứ mỗi dịp tết về, bà và mẹ lại cần mẫn chuẩn bị các loại bánh mứt để mời khách. Và một loại mứt không thể thiếu trong khay dọn tết chính là mứt gừng.

Ảnh: Sưu tầm

Gừng làm mứt phải là gừng trồng ở Kim Long, tuy nhỏ nhưng rất thơm và vị đậm đà. Củ gừng phải chọn củ vừa độ, không quá non và quá già. Mệ (bà) và mẹ sẽ rửa củ gừng sạch sẽ, cẩn thận cạo sạch vỏ, sau đó sẽ bào thật mỏng thành từng lát và rửa sạch.

Cái thú vị ở đây là các công đoạn làm mứt đều làm thủ công, sử dụng bếp củi để làm mứt nên mứt sẽ phảng phất cái mùi khói đặc trứng. Mẹ sẽ đun một nồi nước thật to để luộc gừng. Mùi gừng bay lên tỏa ra thơm ngát, quyện với mùi khói trong thời tiết se lạnh cuối đông. Tụi con nít sẽ tập trung bên bếp củi để hít hà cái mùi hương này và đợi chờ đến lúc mứt làm xong, thò tay ăn vụng một miếng.

Ảnh: Sưu tầm

Mứt gừng sau khi luộc xong sẽ được vớt ra ráo, trộn với đường cho thật ngấm. Khi ngâm thì đường sẽ chảy nước, thấm vào từng lát gừng. Tiếp đến mẹ sẽ cho gừng lên chảo, sao ở lửa thật nhỏ. Đường sẽ sánh lại rồi từ từ tạo thành các hạt đường nhỏ li ti bám trên lát gừng. Lúc này mẹ sẽ đổ gừng ra mâm, nhanh tay đảo cho các lát gừng tơi ra, các hạt đường cũng bắt đầu nhiều lên. Tiếp tục đạo cho đến khi gừng nguội. Tụi nhỏ sẽ không thể chờ mà nhanh tay bốc một vài miếng gừng nhỏ rồi cảm nhận vị ngọt cay nồng tỏa lan trong miệng.

Ảnh: Sưu tầm

Ôn và ba sẽ pha một ấm trà thật ngon, nhâm nhi với vài lát gừng, tâm sự những câu chuyện cuối năm. Mẹ sẽ bảo quản mứt gừng trong các thẩu thủy tinh để ngày tết dọn mời khách. Tiếng cười nói rôm rả, mùi trầm hương, vị cay nồng của mứt gừng sẽ là những kỉ niệm không thể nào quên của những người con xứ Huế trong mỗi độ tết đến xuân về.

Tên tác giả: Trần Thị Thanh Dung