BÁNH ĐÚC MẬT – NÉT HUẾ XƯA

“Thèm ăn một miếng đúc mật Thương người chật vật giữ nét Huế xưa”

Trong kí ức, nói đúng hơn là những gì còn lại trong trí nhớ của tôi, để nói về một món ăn dân dã, món ăn mà ngày xưa ngoại  làm mời khách những ngày đầu xuân ấm mát. Tôi nhớ về món bánh đúc mật. Đúng, cái tên đó đã khơi gợi vị ngọt thanh tao, thoang thoảng vị lá chuối gói bánh và mùi tro bếp củi trong tôi…

Ảnh: Sưu tầm

Ở Huế ngày trước, bánh đúc mật được xem như là bánh xuân bánh tết  vì chỉ đến đoạn cuối chạp đầu giêng người Huế mới làm. Dân Huế ăn bánh đúc mật vào dịp Tết để cầu mong một năm ngọt ngào, xanh tươi mát mẻ. Nhà nào không đổ bánh sẽ dắt díu nhau xúng xính ra chợ mua. Nhớ cái ngày xưa mệ (bà) ngoại 20 âm gói bánh tét cúng tết, 22 mệ lại dắt xe đạp với cái lưng gù chở tôi ra chợ Đông Ba mua lá bồn bồn về nấu cốt làm bánh đúc mật, mệ nói “Chừ họ đi mua bánh hộp bánh tây về ăn hết rồi, mứt mệ không biết làm chơ mệ làm cái bánh ni cho mấy mạ con bây ăn xưa chừ có đi mua chỗ mô mô, bánh ni chừ họ hết làm bán rồi”. Những tưởng là các món ăn thì ai ai cũng sẽ lưu giữ, ai ai cũng sẽ nhớ về, nhưng sau bao ngày tháng đổi thay, xã hội thay đổi, tư duy tiên tiến hơn thì món ăn  “ngày xưa” này lại càng chìm dần vào sâu trong câu thơ “thương người chật vật giữ nét Huế xưa”.

Ảnh: Sưu tầm

Mấy ngày sau cơn siêu bão, tôi chợt thấy được vài ba bài viết về một mệ đang còn làm bánh và bán hàng ngày. Tôi như cứu vãn được cơn khát cùng sau những ngày tháng tìm ý tưởng viết ra những lời trong tâm trí của một đứa con xứ Huế, một đại sứ văn hoá. Được biết để làm ra được mẻ bánh đúc mật rất khó và nhiều công đoạn tỉ mỉ, nào là gạo phải chà nước thật sạch để khi đổ bánh không bị chua, rồi thì giã là bồng bồng phải thật đều và trở lá liên tục để không bị ôi. Ôi sao mà cầu kỳ mà khó chiều, mật mía muốn ăn dẻo ngon thì phải ăn ngày ấm, bánh muốn xanh thì phải làm từ lá bồn bồn cuối đông trước hạ, ăn bánh này phải ăn bằng dao tre thì mới dân dã nà ấm tình quê. tôi nghĩ đến những điều ấy lại chợt nhớ ra “ răng mà giống o con gái Huế cũng sớm nắng chiều mưa ri hè”.

Ảnh: Sưu tầm

Thứ bánh ngọt từ mật mía, giòn dẻo từ gạo ngâm nước tro, thơm dịu từ lá bồn bồn nấu cùng lá dứa. Chỉ có thứ bánh này mới ăn cùng mật mía, không phải như bánh đúc trắng đục hoặc nâu màu gạo ruộng ăn cùng mắm nêm ớt đỏ. Cũng đã hơn chục năm rồi tôi chưa được thưởng hương vị bánh tết xưa. Có lẽ vì thời gian đã ăn mòn, cũng có thể vì quá cầu kì và phải làm thủ công nhiều công đoạn nên cũng chẳng mấy ai thiết tha với việc làm  bánh này, và cũng có thể là cuộc sống giờ đã đủ no nên cũng chả mấy ai yêu nhớ hương vị bánh dân dã và “quê” này. Miếng bánh đúc xanh giòn giòn thơm thơm chấm với mật mía ngọt ngào, trong một khắc hẳn cũng phần nào xoa dịu bớt những nỗi lắng lo, căng thẳng trong mỗi người, chỉ mong là bài viết về món bánh đúc mật Huế này sẽ lan tỏa đến nhiều người biết và đặc biệt là những người trẻ để cùng nhau giữ gìn món bánh vị quê hương ,cũng mong mỗi bạn bè xứ xa có dịp đến Huế hãy tìm hàng bánh  đúc mật của những “nghệ nhân” còn lưu giữ  để thưởng thức vị thanh tao nhã nhặn của người Huế trong mỗi miếng bánh. 

Tên tác giả: Hồ Minh Nguyên