BÁNH THUẪN – MÓN BÁNH CỦA TÌNH THÂN!

Trong không khí se lạnh của những ngày giáp Tết, cơn mưa rả rích lê thê đặc sản xứ Huế, bất chợt tôi ngửi thấy mùi nồng ấm ngọt ngào của hương vị mứt bánh phả vào trong không khí khiến bao nhiêu kí ức tuổi thơ của tôi lại ùa về.

Trong không khí se lạnh của những ngày giáp Tết, cơn mưa rả rích lê thê đặc sản xứ Huế, bất chợt tôi ngửi thấy mùi nồng ấm ngọt ngào của hương vị mứt bánh phả vào trong không khí khiến bao nhiêu kí ức tuổi thơ của tôi lại ùa về. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bà nội và mẹ tôi ngồi bên bếp than hồng với khuôn mặt đỏ hây đổ bánh thuẫn, là một loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền ở Huế trước đây. Bánh dùng để dâng lên thờ cúng bàn thờ tổ tiên và cũng là thức dùng để tiếp khách đến nhà trong những ngày Tết do các mệ các o tự tay chuẩn bị cho gia đình.

Ảnh: Sưu tầm

Nguyên liệu làm bánh chỉ đơn giản gồm bột bình tinh, đường cát trắng và trứng gà. Nhưng để làm ra được chiếc bánh thơm ngon đòi hỏi phải có sự tinh tế, khéo léo và kinh nghiệm của người làm bánh. Sau khi trứng gà được đánh dậy lên với đường trắng, đổ bột đã được rây mịn vào đánh chung theo một tỉ lệ nhất định cho đến khi hỗn hợp đó quện lại. Lúc chất lượng hỗn hợp bột đã đạt yêu cầu thì cho thêm một ít nước cốt chanh và bột vani vào tiếp tục đánh bột cho dậy hương thơm mới thôi. Chuẩn bị xong nguyên liệu thì đến khâu đổ bánh. Khuôn đổ bánh được đúc bằng đồng gồm hai mặt được úp lại với nhau, khuôn bánh có nhiều ô nhỏ với nhiều hình dáng. Trước khi đổ bánh thì khuôn bánh phải được rửa sạch để khô, ủ nóng, tôi còn thấy nội dùng một bẹ chuối đã làm dẹp một đầu nhúng vào dầu ăn

Ảnh: Sưu tầm

rồi quét vào khuôn bánh để khi bánh chín không bị dính vào khuôn. Nội tôi khéo léo, cẩn thận đổ bột vào từng ô nhỏ. Với kinh nghiệm của mình, nội đổ lượng bột không quá dày mà cũng kg quá mỏng, vì nếu bột quá dày thì bánh chín không đều, ngoài chín nhưng trong lòng thì sống, đổ bột mỏng thì bánh dễ cháy và không nở đầy khuôn… Một điều hết sức quan trọng để có được mâm bánh vàng thơm, xốp là khâu quạt than. Than dưới và trên khuôn phải đỏ đều và không quá lửa, nếu không thì bánh sẽ bị cháy khét. Người đổ bánh phải có kinh nghiệm để đoán được lúc nào là bánh đã chín tới để lấy bánh ra khỏi khuôn, lấy sớm thì bánh chưa chín hết, lấy muộn thì vỏ bánh cháy màu không đẹp. Bánh chín tới là lúc dậy mùi thơm. Bánh ăn ngay rất mềm và ngon, nhưng để bảo quản được lâu thì phải sấy bánh trên lò than để bánh khô và cứng lại.

Ảnh: Sưu tầm

Dù đời sống hiện nay đã phát triển hơn, có nhiều sản phẩm ngon, đa dạng về hình thức, nhưng bánh thuẫn vẫn là món bánh mà gia đình tôi vẫn thường làm vào ngày Tết. Bà nội của tôi nay không còn nữa, mẹ đã được bà chỉ vẽ nên mẹ vẫn thường làm. Các bạn thử hình dung trong tiết trời se lạnh của xứ Huế vào ngày đầu xuân, bên cành mai vàng trổ nụ được thưởng thức chiếc bánh thuẫn cùng tách trà nóng thì còn gì thú vị hơn. Tôi yêu gia đình, tôi yêu Tết Huế cũng từ những hương vị đầm ấm đơn sơ ấy.

Tên tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh