Món này vô cùng giàu dinh dưỡng bởi thịt bồ câu là dược liệu chứa nhiều chất bổ như đạm, canxi, photpho và khoáng chất nấu kết hợp với các vị thuốc bác càng thêm nâng tầm giá trị món ăn. Nó rất tốt để bồi bổ, tăng cường sức đề kháng cho cho trẻ em, người già và phụ nữ mang thai. Đặc biệt trong tiết trời đông lạnh, ăn món này sẽ giúp giữ ấm cơ thể và ngăn ngừa cảm lạnh.
Bạn tôi ơi, bạn đã ăn món này chưa? Nếu là đàn ông, bạn đã từng nấu món này tẩm bổ cho vợ khi cô ấy có em bé chưa? Nếu chưa hãy một lần vào bếp trổ tài thử nhé. Không khó lắm đâu.
Chim bồ câu mua về rửa sạch bằng nước muối pha loãng để giảm mùi tanh. Nướng sơ chim với lửa để da chim thêm dai và không bị rách khi hầm. Gói thuốc bắc gồm: hoàng kỳ, kỷ tử, ý dĩ, hạt sen, táo tàu bạn hãy rửa sạch rồi vớt ra rổ. Lá ngải cứu cũng làm y như vậy. Tiếp theo hãy cho thuốc bắc vào nồi nấu trong khoảng 20 phút rồi nêm một ít bột canh, đường, bột ngọt, hạt nêm. Khuấy đều cho các gia vị hòa tan vào canh. Khi mà các loại thuốc bắc tan hết bạn cho chim bồ câu vào nồi và hầm với lửa nhỏ đến khi thịt chín và thấm đều gia vị thì bạn cho ngải cứu vào. Ngó chừng ngải cứu chín bạn nêm nếm lại gia vị sao cho vừa ăn rồi tắt bếp. Múc ra tô và bồi bổ cho vợ thôi nào.
Chao ôi, cái món tuyệt ngon. Mùi thơm tỏa lan trong làn hơi nóng làm ấm lòng những buổi mùa đông. Thịt bồ câu mềm, hạt sen bùi bùi hòa cùng vị ngọt thanh của nước dùng không khỏi quyến rũ bờ môi. Múc một tô cho người vợ yêu dấu thưởng thức xem sao. Thế nào cô ấy cũng khen ngon và thêm yêu người chồng tuyệt vời này. Gia đình càng thêm hạnh phúc.
Cảm ơn Huế kinh đô để lại cho đời cả kho tàng ẩm thực phong phú đủ món từ cung đình đến dân gian mà bồ câu tiềm thuốc bắc chính là một trong những đặc sản quý còn lưu truyền tới ngày hôm nay. Ngày hôm nay dù dòng đời vội vã chảy trôi nét văn hóa ẩm thực xưa của cố đô vẫn lặng lẽ hiện diện ở mọi nơi để không ngừng lan tỏa giá trị ẩm thực đến khắp nơi gần xa.
Tên tác giả: Hòa Bình