Người ta có nhiều cách chế biến ốc khác nhau. Ở quê tôi, các cô, các bà thường cho cả gia vị vào, vừa ăn ốc vừa cảm nhận vị ngon trên từng thớ thịt nhỏ xinh. Không giống như quê tôi, các dì, các o ở Huế lại làm món ốc theo cách rất khác. Chắc có lẽ sau khi thêm tất cả các loại gia vị cùng ớt, sả, tỏi, lá chanh vào vẫn chưa đủ đạt sự đậm đà trong khẩu vị, người ta còn chuẩn bị cả một chén nước chấm gồm ớt, gừng, nước mắm và một ít đường ăn cùng.
Với tôi, món ốc của người Huế còn hội tụ cả những đặc tính của sự quân bình âm dương trong đó. Không chỉ là sự hài hoà về màu sắc: đen (ốc), đỏ (ớt), vàng (gừng), xanh lá (lá chanh, sả), trắng (tỏi) đặt trên một cái đĩa trắng, mà người Huế còn tinh tế chọn những nguyên liệu để “giữ cho cái bụng” được “êm”. Ốc thường có tính hàn nên người Huế đã khéo léo kết hợp cùng với những nguyên liệu, gia vị có tính ấm như ớt, gừng, sả để đạt sự cân bằng. Bên cạnh đó, người Huế còn ăn ốc kèm với một đĩa rau, hài hoà giữa vị ngọt thanh, giòn tan của dưa leo, vị chát chát của vả và các loại rau thơm ăn cùng. Có lẽ do bởi ốc cay, mắm cay nên ta cần một cái gì đó để làm dịu lại những hương vị cay nồng.
Sinh viên chúng tôi thường hay lui tới những quán ốc buổi xế chiều, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Một số người chọn ốc như một món chính cho bữa tối thường mua thêm một, hai ổ bánh mì nóng giòn chấm cùng nước sốt. Những quán ốc không chỉ thu hút những bạn trẻ, mà còn hấp dẫn nhiều người ở các độ tuổi khác nhau. Những vị khách nước ngoài đến Huế, qua lời giới thiệu của tôi cũng muốn thử ăn ốc Huế một lần. Thật ngạc nhiên vì mặc dù hai nền ẩm thực rất khác nhau nhưng họ rất thích món ốc này và ăn rất ngon.
Ốc – một món ăn dân dã nhưng chứa đựng những nét đặc trưng trong cách chế biến, ăn uống của người Huế. Độ cay nồng đủ để những người không ăn được cay phải “chảy nước mắt” khi ăn nhưng cũng chính hương vị ấy đủ ấm áp để xoa dịu bớt cái lạnh của xứ Huế vào ngày Đông.
Tên tác giả: Trần Thị Hoàn Vy