CHÈ HUẾ NGÀY ĐÔNG

Trời chớm sang Đông. Những hạt mưa rơi lất phất, những cơn gió lạnh tê tái, tự bao giờ đã trở thành nét rất riêng của thời tiết xứ Huế.

Tích tắc! tích tắc! Tiếng đồng hồ làm cảm giác đợi chồng của Thị lâu hơn. Chờ đợi là mệt mỏi nhưng với nàng là niềm hạnh phúc lớn lao. Thị đang loay hoay nấu “chè bột lọc heo quay” trong bếp, bỗng có tiếng gọi: “Em ơi! Mở cửa cho anh”. Nàng trên tay bồng đứa con nhỏ, chạy ra đón chồng. Trời về đêm trở lạnh, sự có mặt của chồng nàng làm không khí căn nhà ấm cúng hơn. Anh bế con và đu đưa trên tay khiến con bé cười sặc sụa. Thị cảm nhận được sự vất vả trong công việc của chồng. Nàng bưng chén chè nóng hổi, dịu dàng nói: “Anh ăn đi cho nóng”. Mùi thơm phảng phất khiến chồng nàng suýt xoa: “Ngon quá! Đây là món ăn tiến vua đó em”.

Ảnh: Sưu tầm

Thật vậy, “chè bột lọc heo quay” đã có từ lâu đời, là kết quả giao thoa giữa ẩm thực Phú Xuân xưa và Campuchia. Sự hòa quyện giữa vị ngọt và mặn thể hiện nét độc đáo và sáng tạo của món ăn. Như cái tên của nó, món chè này gồm các thành phần chính là vỏ bột lọc, nhân heo quay và nước đường, được chế biến rất công phu. Trước hết, heo quay được làm từ thịt ba chỉ đã tẩm ướp với gia vị, đem nướng ở nhiệt độ thích hợp, sau đó, thái hạt lựu và sên với đường cho đến khi kẹo lại. Phần nhân heo quay phải có vị mặn- ngọt, béo và thơm. Tiếp đến, phần vỏ được làm từ bột lọc: bột nhào thành khối mịn, chia từng viên nhỏ, vo tròn, ấn dẹt, cho nhân vào rồi gói lại. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo để tạo tính thẩm mỹ cho món ăn. Những viên bột lọc bọc heo quay được luộc đến khi nào nổi lên thì vớt ra nước lạnh để giữ độ dai của bột. Bước cuối cùng là đun sôi với nước đường. Bí quyết giúp món chè ngọt thanh là dùng đường phèn, ngoài ra thêm gừng thái sợi để tạo vị cay nồng, lá dứa cho hương thơm đặc trưng… Kinh nghiệm này Thị học được từ bà ngoại và giờ đây nấu cho chồng thưởng thức. Nàng hỏi:

– “Ngon không anh?”

– “Tuyệt quá em à! Trời lạnh ăn ấm bụng. Vị mặn-ngọt vừa phải, mùi thơm hấp dẫn”.

– “Anh ăn nóng hay lạnh đều được”.

– “Ở Huế chỗ nào ngon em?”.

– “Dạ cũng tùy khẩu vị mỗi người thôi anh. Em thích cảm giác vừa thưởng thức ly chè vừa ngắm phố phường”.

– “Khi nào rảnh anh sẽ đưa em đi”

– “Dạ. Cảm ơn anh!”

Cứ thế hai vợ chồng rôm rả nói chuyện. Đứa con hóng hớt nhoẻn miệng cười. Hạnh phúc trong căn nhà xua tan mùa đông lạnh giá.

Ảnh: Sưu tầm

Kể từ đó, “chè bột lọc heo quay” trở thành món ăn mà Thị mời người thân, bạn bè thưởng thức mỗi khi sum họp. Đó cũng là dịp để nàng chia sẻ những câu chuyện về đặc sản quê hương với niềm tự hào “Huế – kinh đô ẩm thực”. Cho nên, mỗi món ăn không chỉ là sự độc đáo ở hình thức hay hương vị mà còn là thông điệp gửi đến những người yêu thương, là tình yêu với quê hương và giá trị văn hóa ẩn chứa đằng sau.

Tên tác giả: Lê Thị Kim Anh

 
 
 

Bài viết liên quan