Công thức của món này tôi biết không khó, làm ngon thì khó. Tôi tưởng tượng một người phụ nữ Bắc Bộ sẽ không thể nấu ra được thứ hương vị ngọt thanh, hoà quyện được giữa nước dùng, thịt bò, chả cua và hành lá.
Có lẽ tôi may mắn, bởi những bát bún bò tôi ăn sau này (ở Huế) đều cho tôi thỏa mãn, đến độ nếu vắt thêm chút chanh tươi vào thì làm hỏng cả món ăn.
Đi qua những con đường chính, hay dọc bờ sông Hương, tôi bị lịch sử nơi đây lôi cuốn, các kiến trúc mái ngói cong, màu nâu cũ kĩ, sự không toàn vẹn của bức tường hay cây cầu. Đi một hồi, mắt cũng mỏi, người thì khoan khoái. Cho đến 4h chiều, tôi ghé 1 quán bánh chiều “bánh bèo- nậm- lọc”.
Thử mỗi bánh vài cái, kết thúc thêm 10 chén bánh bèo. Tôi thích nó: “chả có gì mà cứ cuốn miệng”.
Thật là nó chả có gì, chỉ bột gạo, tí tôm khô xé sợi, tóp khô 1 miếng, nước mắm pha loãng. Vậy mà không nào ấy cũng làm nó ra được 1 món ăn dịu dàng lạ lùng, đạt mức ở giữa ngon thanh cao và nhạt nhẽo, nghiêng về bên nào hơn là ở người ăn nó, hay là thưởng thức nó.
“Thanh cao” ?, sen – hạt sen. Sen có khắp Huế, ngay giữa thành phố. Buổi tối tôi lại được thích thú ẩm thực 1 lần nữa để khép lại 1 ngày: Chè Hạt Sen. Món chè làm dễ lắm, ai được chỉ 1 lần cũng làm được. Ấy vậy lại nhắc, để làm ra sự cảm nhận được cái thanh cao trong hương vị món này thì lại có lẽ chỉ có người phụ nữ Huế, nói “có chi mô nờ(a)” tạo ra. Từ vị ngọt, vị bùi, hơi ngậy, tạo nên 1 vị: Dịu Dàng.
Ngày hôm ấy, tôi với Huế đã quyết định đi đến 1 mối quan hệ lâu dài hơn. ‘Người đàn ông’ trong tôi bị lôi cuốn bởi vẻ Dịu Dàng này, và Huế đã thật hào phóng với tôi.
Tôi cảm tưởng nơi này như 1 vũng nước sâu, nơi những gì không chân thật, không trong sạch bị lắng xuống đáy theo thời gian, rồi để lại sự tinh khiết trên bề mặt của nó, cuốn hút những thần dân đến với nó về miền dịu dàng trong tâm hồn.
Tên tác giả: Nguyễn Quang Triệu