HƯƠNG VỊ TẾT QUÊ NHÀ TRONG LÁT MỨT GỪNG XỨ HUẾ

Lũ chúng tôi, cứ như ngày xưa, mỗi khi nhìn thấy mạ bày biện vật dụng để làm mứt gừng, là đã cảm thấy Tết đến thiệt (thật) gần.

Lũ chúng tôi, những người thuộc thế hệ 7X, hầu như đứa nào cũng lớn lên với câu hát ru của mạ: “Tay mang dĩa muối chấm gừng/ gừng cay muối mặn (ơi à…) xin đừng bỏ nhau…”. Lời ru buồn sâu thăm thẳm, nhưng lại là một phần di dưỡng mạch sống tinh thần cho những đứa con đất Huế.

Ảnh: Sưu tầm

Ngày xưa, giữa cuộc sống thiếu thốn bộn bề thời hậu chiến, tôi vẫn nhớ là mỗi khi Tết đến ở Huế, dĩa mứt gừng luôn là phần không thể thiếu để dâng cúng trên bàn thờ gia tiên, cúng giao thừa và thết đãi bạn bè thân hữu. Và không như ngày nay, có thể nhìn thấy những gói mứt gừng bày bán quanh năm ở chợ hay siêu thị, mứt gừng ngày xưa là một vật phẩm chỉ có trong dịp Tết.

Hồi đó, trong cái rét mướt cuối Đông, mạ (mẹ) tôi thường đạp xe lên tận chợ Tuần, mua vài ký gừng và đường cát trắng để chuẩn bị làm mứt. Chợ Tuần là nơi thường bán loại gừng được trồng ở vùng bán sơn địa Bằng Lãng, loại gừng được cho là thơm ngon nhất vùng Huế. Nói thì thật đơn giản, nhưng có lẽ trong ký ức của tôi, món mứt gừng của mạ là món ăn phải làm khá công phu, và có lẽ, cái cảm giác nóng rát ở tay vẫn hiện hữu khi anh em chúng tôi phụ mạ gọt gừng. 

Ảnh: Sưu tầm

Gừng được mang ngâm nước, gọt vỏ, bào thành lát mỏng, ngâm vào thau nước vo gạo một thời gian, sau đó ngâm qua thau nước lạnh có vắt vài trái chanh. Tiếp đến, mạ lại bắc một nồi nước sôi, vắt vài trái chanh vô nồi, rồi cho gừng vô (vào) luộc. Chừng nửa giờ đồng hồ, mạ vớt gừng ra, đem xả nước lạnh rồi để ráo. Mạ nói “phải luộc để ra hết mủ gừng”, “ngâm nước chanh để lát gừng thêm trắng”.

Anh em chúng tôi phụ mạ quạt than ở bếp lò cho đỏ rực, sau đó mạ lấy tro bếp vùi lại, lấy một tấm ngói gác lên rồi mới đặt thau gừng lên sên, trên thau (chậu) gừng mạ đậy lại bằng một tờ giấy tinh để ngăn bụi, cứ một chặp, mạ lại thật nhẹ tay đảo lớp dưới lên trên, lớp trên xuống dưới, cho đến bao giờ đường tan và rút hết vào lát gừng thì đổ ra cái mẹt có lót giấy tinh rồi gác trên bếp sậy cho thiệt khô.

Ảnh: Sưu tầm

Đêm giao thừa, trong không khí thiêng liêng và ấm cúng, dĩa mứt gừng của mạ trang trọng dâng cúng lên bàn thờ gia tiên, nhìn lát mứt gừng trắng ngà nguyên vẹn với lớp đường áo đều bên ngoài, ba tôi tấm tắc “năm ni mạ bây làm mứt gừng thiệt đẹp!”.

Anh em chúng tôi, mỗi đứa lớn lên như chim rời tổ, học hành rồi sinh sống trên vùng đất phương Nam, giữa sự nhộn nhịp và hối hả của đô thị hiện đại, đôi lúc lòng như chợt dịu lại khi nhìn thấy dĩa mứt gừng vào dịp Tết, hay trong những bữa trà chiều cùng chúng bạn. Lát mứt gừng đã không còn là một phần ẩm thực, mà là hình ảnh, là ký ức hoài niệm, là mảnh ghép của bức tranh ngày Tết ấm áp ở quê nhà.

Tên tác giả: Hoàng Thị Trà My