KÍ ỨC NGÀY XUÂN

Trong tất cả các món mẹ làm, Tré lại là món ăn mà tôi thích nhất bởi có hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được.

Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi lại bồi hồi xúc động, nhớ về những ký ức khi tôi còn bé thơ. Tôi nhớ nhất hình dáng của mẹ, của bà với đôi bàn tay thoăn thoắt gói những chiếc bánh chưng, bánh tét; đặc biệt là mâm ngũ quả ngày tết, dưới đôi bàn tay của mẹ, bà sao mà tinh tế, đẹp mắt đến thế. Tôi thấy mẹ bắt đầu chuẩn bị các nguyên liệu để làm những món ngọt như các món mứt (gừng, khoai, dừa…); các món bánh (bánh in, bánh thuẩn, bánh chưng); các món mặn (tré, chả thủ, thịt heo ngâm nước mắm) để phục vụ cho ngày Tết. Tuy vậy, trong tất cả các món mẹ làm, Tré lại là món ăn mà tôi thích nhất bởi có hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được.

Ảnh: Sưu tầm

Sau ngày 23 tháng Chạp (ngày tiễn đưa ông công ông Táo chầu trời) không khí ngày Xuân bắt đầu lan tỏa trong mọi gia đình. Và món ăn tuyệt hảo ấy chính là món mà mẹ tôi rất tâm đắc. Để có món Tré ngon, khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu chính để làm nên món Tré bao gồm: thịt heo, riềng, tỏi, mè, các gia vị đặc trưng như muối, đường, tiêu, ớt,… và không thể thiếu thính gạo và lá ổi. Tất cả các nguyên liệu, mẹ tôi chia theo tỉ lệ nhất định. Thịt heo được mẹ tôi làm sạch và sơ chế theo những cách khác nhau như đem luộc chín và thái sợi nhỏ. Tiếp đó, mè trắng, thính (gạo) được mẹ tô rang vàng óng trông vô cùng đẹp mắt. Rồi bà lại lấy riềng rửa sạch cắt sợi và tỏi rửa sạch băm nhỏ. Sau khi cả thịt và gia vị đã chuẩn xong, mẹ tôi bắt đầu trộn đều lại với nhau và công đoạn gói những mẻ tré thơm ngon ấy cũng được tiến hành. Mẹ tôi lấy lá ổi, lá chuối đem ra rửa sạch, rồi lau khô. Sau đó lá được trải ra và mẹ bắt đầu lấy một lượng tré vừa phải cho vào trên lá ổi rồi gói lại cho chắc và thêm một vài lá chuối để buộc cố định.

Ảnh: Sưu tầm

Nhưng đó chưa phải là tất cả, để có được cái vị chua thanh thanh kết hợp cùng vị mặn mặn đặc biệt ấy, tré phải được để ở nơi khô ráo từ 3 – 4 ngày (tùy vào thời tiết nóng hay lạnh). Sau khi Tré chín và đạt độ chua ngon, thì đó cũng chính là lúc món ăn ấy đã hoàn thành. Nếm thử một miếng tôi đã cảm nhận được độ giòn sần sật của tai heo; vị béo từ mè cùng vị thơm ngon cay nồng của ớt, tỏi và riềng tạo nên hương vị rất ngon và đậm đà. Chỉ những bước chế biến đơn giản như thế thôi, nhưng tất cả lại hòa quyện vào nhau một cách kỳ diệu, tạo nên hương vị đặc trưng rất riêng của Tré.

Ảnh: Sưu tầm

Tuy rằng đối với nhiều người khác, hương vị ấy có thể bình thường như bao món ăn khác, nhưng đối với tôi, đó lại là hương vị khiến tôi nhớ mãi không quên. Trong đầu tôi vẫn nhớ như in câu nói của mẹ: “Người Huế có truyền thống bao đời nay là mẹ dạy con, bà dạy cháu, chị dạy em và đây sẽ là hành trang mà mẹ trao lại cho các con sau này”. Khi nghe những lời dạy thấm thía của mẹ, tôi đã cảm thấy thật may mắn làm sao được sinh ra và lớn lên, trong một gia đình có bà và mẹ là những người phụ nữ Huế xưa – vùng đất chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo – với quan niệm “Tam tòng tứ đức” là một chuẩn mực của người phụ nữ Huế. Thật cảm ơn người mẹ thân yêu của tôi đã làm ra món ăn, tuy đơn giản nhưng lại vô cùng đặc biệt ấy. Để tôi biết được rằng, tuổi thơ của tôi về những ngày Tết đến xuân về tuyệt vời đến nhường nào.

Tên tác giả: Trương Thị Diệu Loan