Nghệ thuật thưởng trà tại Huế

Tại Huế, cái thú thưởng trà đã là nét đẹp không thể thiếu, từ cung đình sang trọng đến chốn vườn quê bình dị. Một chén trà Huế không chỉ có hương vị thanh tao, mà còn mang cả hồn cốt văn hóa Cố đô – nhẹ nhàng, sâu lắng, mà thiệt tình thơ mộng.

Thưởng trà tại Huế từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa cố đô. Nghệ thuật uống trà không chỉ đơn thuần là cách thức uống mà còn phản ánh tính cách tinh tế, nhẹ nhàng và tâm hồn sâu lắng của người dân nơi đây. Người Huế thưởng trà với những quy tắc và phong cách rất riêng, kế thừa tinh thần đế vương từ triều Nguyễn nhưng được tinh giản, phù hợp với nhịp sống thường ngày.

Nghệ thuật thưởng trà tại Huế

Văn hóa thưởng trà Huế

Trong văn hóa Huế, uống trà không đơn thuần là việc nhấp môi thưởng thức mà là cả quá trình hoà mình vào thiên nhiên và bản sắc dân tộc. Đặc trưng của cách thưởng trà ở Huế là sự cầu kỳ, trang trọng, với từng thao tác tỉ mỉ từ pha trà, chọn trà đến cách nâng chén. Ngày xưa, người Huế có bốn loại chén khác nhau cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thể hiện nét độc đáo và sự am hiểu về thời tiết. Tùy vào mùa mà trà được pha khác nhau, tạo nên sự hài hòa giữa thức uống và thiên nhiên.

Một bộ đồ trà của người Huế bao gồm các dụng cụ như ấm Tống, chén quân, dầm, khay trà, và mỗi chi tiết đều có chức năng và ý nghĩa riêng. Bộ trà thường được làm từ đất sét nung, mang đến sự mộc mạc nhưng cũng đậm chất phong nhã.

Quy trình pha trà 

Cầu kỳ từ khâu nguyên liệu, trà Huế thường được chọn lựa tỉ mỉ, hái vào giờ hoàng đạo, không chỉ để đảm bảo độ tươi mà còn chứa đựng lòng thành kính với thiên nhiên. Các loại trà nổi tiếng như “Hầu trà,” “Trảm mã trà,” hay “Tiên trà” mang theo điển tích của triều đình xưa. Không dừng lại ở việc chọn trà, nước pha trà cũng phải đặc biệt. Người Huế thường dùng nước mưa, nước giếng cổ, hoặc nước sương hứng từ lá sen vào sáng sớm để pha trà, tạo nên vị thanh tao, thuần khiết mà không nơi nào có được. 

Nước pha trà thường được duy trì ở nhiệt độ từ 70-85 độ C, tùy theo loại trà, giúp bảo toàn hương vị mà không làm cháy trà. Khi đun, nước phải sôi ở mức “sủi tăm” – lăn tăn nhẹ, nước sôi già quá sẽ làm trà nhanh chín, hương thơm không còn, làm sao để không làm mất đi hương vị tinh túy. Khi rót trà, người pha nhẹ nhàng rót từ chén tống ra chén quân. Cách nâng chén cũng thể hiện phong thái tinh tế: một tay ôm hờ chén, tay kia đỡ đáy chén, thể hiện sự thành kính khi mời khách. 

Nghệ thuật thưởng trà sen

Nghệ thuật thưởng trà Huế 

Khi thưởng trà, người Huế xoay cổ tay để mu bàn tay che miệng, thể hiện sự lịch thiệp. Động tác này không chỉ thể hiện phong cách uống trà mà còn là sự tôn trọng đối với người đối diện, một nét đẹp đặc trưng trong giao tiếp của người Huế.

Với cách uống trà độc đáo, người Huế chú trọng việc cảm nhận hương vị và tâm thế. Chén trà không chỉ là thứ kết nối con người mà còn là biểu tượng của sự thanh tịnh và hướng về tâm hồn. Khi thưởng trà, họ thường đi kèm với bánh truyền thống như bánh in làm bằng hạt sen, đậu xanh, hoặc bằng bột nếp được gói bằng giấy màu ngũ sắc của Huế. Những ngày Tết, người Huế còn có thêm món mứt gừng. Đón chén trà nóng từ tay bạn hiền trao, nếm lát mứt gừng Kim Long nổi tiếng có vị ngọt ,hơi cay nồng ấm thế là như thấy cả một mùa mùa xuân đang về trong đất trời và trong cả lòng người.

Không gian thưởng trà Huế

Một trong những không gian thưởng trà nổi tiếng tại Huế là Di Nhiên trà thất – nơi mà người dân và du khách có thể trải nghiệm nghệ thuật uống trà đúng điệu. Ở đây, không gian được bài trí gần gũi với thiên nhiên, với màu sắc chủ đạo là gam trầm, kết hợp giữa ánh sáng tự nhiên và vật liệu gỗ mộc. Một trong những điểm đặc sắc nhất của Di Nhiên chính là các loại trà, được chính tay Thanh Nhị – chủ nhân của quán không quản địa hình cheo leo hiểm trở của những vùng núi cao Tây Bắc mang về. Bạch trà cổ thụ vùng núi Tây Côn Lĩnh của Hà Giang, mỗi năm chỉ trổ búp vào mùa xuân và mùa thu. Hay trà Tà Xùa của Sơn La, trà cổ Tân Cương. Trà khách lịch duyệt có thể nhận thấy mùi khói của lõi ngô còn lưu lại trong mộc trà. Di Nhiên cũng nổi tiếng với các loại trà cổ thụ ướp hương, tiêu biểu như trà sen, phải dùng khoảng chừng 2.000 bông hoa sen Huế ướp mới thu được 1 kg trà sen, ngoài ra là trà nhài, trà cúc, trà hoa ngâu, trà hoa bưởi, mùa nào hoa ấy, không cưỡng ép, tinh tế đến mức vị trà và hoa như hòa làm một.

Mỗi buổi thưởng trà ở đây là một trải nghiệm đắm chìm vào không gian tĩnh lặng, là khoảnh khắc để cảm nhận sự bình yên.

Thú uống trà – Nét đẹp gắn liền với đời sống người Huế

Thưởng trà giờ đây không còn là thú vui của riêng người già mà đã trở thành nét sinh hoạt của nhiều thế hệ ở Huế. Nhiều người chia sẻ rằng, khi thưởng thức chén trà trong những ngôi nhà vườn xanh mướt ở Huế, mọi áp lực của cuộc sống dường như được xóa tan. Hương trà quyện cùng không khí yên bình là liệu pháp tinh thần giúp con người tìm lại sự cân bằng, cảm nhận rõ rệt sự tĩnh tại, sâu sắc mà hiếm có thức uống nào mang lại.

Trong không gian vườn nhà, chén trà thơm được bày trên bàn, đôi khi chỉ có vài người bạn tâm giao, cùng thưởng thức vị trà, cùng đàm đạo về cuộc sống. Đối với người Huế, thưởng trà không chỉ là nghi thức mà còn là cách thức tìm lại sự thanh bình trong tâm hồn.

Trà Huế – Hồn cốt của nét đẹp truyền thống

Nghệ thuật thưởng trà tại Huế đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân cố đô. Từ cung đình uy nghiêm đến đời sống dân gian, mỗi tách trà mang trong mình tình người, tình đất Huế. Đến với Huế, nhấp một ngụm trà, người ta như cảm nhận được cả cái hồn, cái tình của xứ sở thơ mộng này. Trà Huế không chỉ là thức uống mà còn là linh hồn của vùng đất, nơi gửi gắm niềm tự hào, sự thanh tịnh và phong thái trang nhã của con người đất cố đô.

Huế không chỉ đẹp bởi khung cảnh hữu tình mà còn đậm đà bởi từng giọt trà, là cầu nối tâm hồn giữa con người với con người, là một kho báu văn hóa trường tồn với thời gian.

 

 
 
 

Bài viết liên quan