VANG VẢ XỨ HUẾ – “CỐ ĐÔ TIÊN TỬU”

“Đường vô xứ Huế quanh quanh Thưởng vang Bạch Mã, có đành đi được mô?”

Ở Việt Nam, nhắc đến quả vả thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất cố đô Huế bởi đây là nơi mà cây vả được trồng rất nhiều. Tại Huế, không chỉ các chùa chiền, các nhà vườn lớn trồng nhiều vả mà cả những khu vườn nhỏ trong gia đình nhiều người dân cũng thường có lắm cây vả xanh tươi, trĩu quả. Theo Đông y, quả vả có vị ngọt, tính lành, có được tính phòng và chữa bệnh táo bón, kiết lị, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu, rất tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ và ít năng lượng…

Gần đây, rượu vang được làm từ những quả vả chín, lên men tự nhiên và ủ tại vườn quốc gia Bạch Mã với khí hậu mát mẻ quanh năm, đó là điểm đặc trưng lý tưởng để tạo ra dòng rượu vang trái vả “Made in xứ Huế” thượng hạng.

Ảnh: Sưu tầm

Nhấp một ngụm vang vả trên đầu lưỡi, thực khách sành uống có thể thưởng thức được hương thơm dịu nhẹ và vị chua thanh mát từ quả vả mang đến cảm giác sảng khoái, ngon miệng và bổ dưỡng lại tốt cho sức khỏe. Vang vả khác vang nho ở chỗ là nguyên liệu chính có vị chát (chất tanin) của trái vả nhiều hơn nho, điều đó đã làm nên tuyệt tác rượu vang vả có cấu trúc hoàn hảo của vị tanin tự nhiên với hàm lượng polyphenols. Vang vả thường có vị hài hòa, thanh mát, dư vị kéo dài với vị chua và chát nhẹ, hậu vị đọng lại chút ngọt dịu dàng và cân bằng. Đây sẽ là sự lựa chọn thích hợp để mở khai vị cho các bữa ăn, kích thích vị giác tốt hơn.

Có lẽ cái duyên đến với vang vả đặc biệt của anh Mai Quốc Bảo – người sáng chế ra dòng vang này là trong một đêm ngủ ở Vọng Hải Đài, anh có ước mơ rằng Đà Lạt làm ra rượu vang thì Bạch Mã cũng sẽ có loại vang tương tự.

Ảnh: Sưu tầm

Trong một lần chén thù chén tạc ở non cao, khi được hỏi vì sao gắn vang vả Bạch Mã với cái tên là “tiên tửu”, anh Quốc Bảo chia sẻ thêm “Đây là tâm huyết của các nghệ nhân chưng ủ rượu Lộc Mai, là sự hòa quyện của những tinh chất tuyệt vời có trong quả vả – thứ quả dân dã của xứ Huế và tinh hoa đất trời nơi non thiêng Bạch Mã. Quả là không ngoa khi gọi vang vả ở đây là tiên tửu bởi quanh năm được đắm mình trong làn mây bồng bềnh tựa chốn bồng lai tiên cảnh”.

Thế nhưng trong ngụm rượu vang vả, tôi cũng cảm nhận được thêm vị mặn của mồ hôi người nông dân và cả nước mắt của người làm rượu. Bởi câu chuyện có thật khi đã cam kết bao tiêu trái vả cho bà con nên dù nắng hay mưa vẫn phải thu gom, có khi đang lúc trời nắng đột nhiên mưa lớn nên trà bị ướt nên đành ngậm ngùi đổ cả tấn vả trong ngày, điều mà không nhiều người dân địa phương được biết.

Ảnh: Sưu tầm

Rồi trong cái men say của tiên tửu ở trên đỉnh núi Bạch Mã, tôi đã “cà khịa” tức cảnh sinh tình:

“Đường vô xứ Huế quanh quanh

Thưởng vang Bạch Mã, có đành đi được mô?”

Tên tác giả: Phan Quốc Vinh

 
 
 

Bài viết liên quan